Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Đây là tài liệu quan trọng cho phép nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức có thể rót vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không cần có quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế, được quy định tại Khoản 1 – Điều 23 của Luật đầu tư 2020, cụ thể:
- Tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Luật Đầu Tư 2020, thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chính là thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, được xem xét và quyết định dựa trên các yếu tố mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu hoạt động của dự án đó:
- Không quá 70 năm đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế.
- Không quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế.
- Không quá 70 năm đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm.
Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Bước 1: Xác định dự án đầu tư có thuộc các trường hợp xin chấp thuận chủ trương đầu tư không?
Trước tiên, nhà đầu tư (NĐT) cần xác định xem dự án đầu tư có rơi vào trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2020 hay không. Trong bài viết này, Đông Nam Á chỉ tập trung chia sẻ những trường hợp không cần có Quyết định chủ trương đầu tư
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đối với các dự án không thuộc diện Quyết định chủ trương đầu tư, hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (bao gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận);
b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:
- Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;
- Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;
- Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;
- Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; và/hoặc
- Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
g) Hợp đồng BCC (áp dụng đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC); và
h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Lưu ý: Các tài liệu do nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước 3: Kê khai trực tuyến thông tin về dự án đầu tư
Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định 31/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư:
Trước khi thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Quá thời hạn 15 ngày thì hồ sơ kê khai trực tuyến không còn hiệu lực.
Bước 4: Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký đầu tư
Theo Điều 39 Luật Đầu tư 2020 được hướng dẫn bởi Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký có thẩm quyền như sau:
(i) Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư sau:
- Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại những địa phương chưa thành lập Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao.
(ii) Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, gồm:
- Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
- Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
(iii) Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
- Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
- Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Bước 5: Thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp hồ sơ thiếu sót, cơ quan đăng ký sẽ yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ. Trường hợp từ chối hồ sơ phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 6: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ tới Sở kế hoạch và Đầu tư để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Kết Luận
Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư là một bước quan trọng để nhà đầu tư hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hiểu rõ quy trình và chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tránh các rủi ro pháp lý. Nếu cần hỗ trợ, hãy liên hệ Đông Nam Á theo Hotline: 0962 220 666 để đảm bảo mọi thủ tục được hoàn thành một cách nhanh chóng và chính xác.
''Công ty Đông Nam Á chuyên tư vấn nhập cảnh cho người nước ngoài tại Việt Nam với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành. Chúng tôi hỗ trợ tư vấn quy trình và thủ tục xin công văn nhập cảnh, thẻ tạm trú và Visa Việt Nam với mức phí tư vấn tiết kiệm."
- EVISA VIỆT NAM KHẨN – LẤY NGAY KẾT QUẢ CHỈ TRONG 4 GIỜ
- Thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư)
- Visa Trung Quốc: Thủ Tục và Kinh Nghiệm
- DỊCH VỤ GIA HẠN VISA CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Ở ĐÂU UY TÍN
- GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM
- Hợp pháp hóa lãnh sự